Ba mẹ nào cũng vậy, luôn xác định nhu cầu dinh dưỡng của con mình sẽ là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp phụ huynh dễ dàng cảm thấy bị choáng ngợp bởi lượng thông tin khổng lồ về vấn đề này và chẳng biết phải làm thế nào cho đúng.Thức ăn của bé trong những năm đầu đời có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen ăn uống của bé sau này trong cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, nhà trường và gia đình cần phải tập cho bé thói quen ăn uống đa dạng các loại thực phẩm từ khi còn nhỏ. Tránh tình trạng chỉ cho bé ăn những món bé thích, hoặc có xu hướng cho bé ăn những món có thể chế biến đơn giản và ít tốn thời gian.Để đảm bảo các yêu cầu dinh dưỡng của bé trong khuôn khổ các bữa ăn tại lớp, nhà trường luôn hướng đến việc cân bằng các nhóm thực phẩm và rải đều cho các bữa ăn. Tập cho bé có thói quen ăn uống hợp lý chứ không đơn thuần là ngon miệng. Vì thế, phụ huynh nên theo dõi thực đơn của bé ăn tại trường hàng ngày qua ứng dụng “mầm non Nguyễn Thị Tú” để có thể thay đổi món cho bé khi ăn tối tại nhà cùng gia đình.

Thực phẩm sạch là thuốc

Người ta thường có xu hướng giải thích khái niệm thực phẩm sạch theo quan niệm cá nhân của họ nhiều hơn là cố công tìm hiểu bản chất của thực phẩm sạch.

Rất nhiều loại thực phẩm được bày bán rộng rãi ở ngoài thị trường, đặc biệt là tại các chợ trông vẫn rất tốt tươi, sạch sẽ. Tuy nhiên, rất ít sản phẩm này thật sự đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng nguồn thực phẩm này luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Không chỉ đơn thuần là ngộ độc thực phẩm như chúng ta thường nghe, mà sâu xa hơn nữa là nguy cơ mắc bệnh ung thư từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất dùng trong chăn nuôi.

Thực phẩm sạch trước hết phải được nuôi, trồng ở nguồn canh tác sạch. Chăm sóc bằng phân bón, thức ăn hợp chuẩn được nhà nước cho phép sử dụng. Phương tiện vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến tay người tiêu dùng cũng phải được chuyên biệt hoá (các xe đông lạnh). Và cuối cùng, nguồn thực phẩm này phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận hợp quy và được phân phối bởi các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được nhà nước chứng nhận.

Toàn bộ nguồn thực phẩm sử dụng tại trường mầm non Nguyễn Thị Tú đều được mua thông qua các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Quy trình chế biến

Một trong những tiêu chí bắt buộc để một trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia là tiêu chuẩn bếp ăn một chiều.

Theo đó, tất cả các hoạt động nấu nướng phải diễn ra theo đúng quy trình một chiều duy nhất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quan trọng nhất là tránh tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh giữa thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín.

Nhu cầu dinh dưỡng

Trẻ em cần bao nhiêu thực phẩm mỗi ngày?

Tuỳ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, chiều cao và khả năng vận động của từng bé sẽ có nhu cầu về dinh dưỡng khác nhau. Trung bình trẻ em mầm non cần từ 1.000 đến 1.400 calo mỗi ngày. Nhưng điều quan trọng là sự cân bằng các nhóm thực phẩm trong các bữa ăn mới có thể mang lại lượng dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Vì vậy, phụ huynh nên trao đổi kỹ hơn với nhà trường về tháp dinh dưỡng, khẩu phần ăn hàng ngày. Qua đó cung cấp đúng nhu cầu của bé trong các bữa ăn tại nhà.

Trẻ em cũng cần nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như người lớn, chỉ là với số lượng ít hơn. Tất cả các bé đều cần các loại chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, carbonhydrate, đạm và chất béo như người . Tuy nhiên, nhu cầu lượng dinh dưỡng của trẻ em ở các độ tuổi cụ thể sẽ khác nhau. Một số phụ huynh đã không tìm hiểu đủ sâu về nhu cầu dinh dưỡng của bé, nên thường áp đặt trong việc cho bé ăn uống.

Để bữa ăn của bé diễn ra dễ chịu nhất có thể, đừng đặt áp lực lên việc ăn uống của bé. Việc cung cấp cho bé một lượng thức ăn “theo quy định của ba mẹ” và buộc bé phải ăn cho hết, không được để thừa là việc đặc biệt nên tránh. Bé có thể bị tăng cân quá nhiều hoặc tệ hơn là sợ đến bữa phải ăn cơm.

Trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non vẫn đang phát triển thói quen ăn uống. Các bé cần được khuyến khích ăn đủ dinh dưỡng trong bữa chính và các bữa ăn phụ. Ở tuổi này các bé rất háo hức học hỏi, đặc biệt là từ những người khác và thường bắt chước hành vi ăn uống của người lớn. Do vậy cần phải giám sát chặt chẽ trong giờ ăn vì thật ra các bé vẫn đang trong quá trình rèn luyện kỹ năng nhai và nuốt chứ chưa thể thực hiện hoàn hảo như người lớn, nhằm tránh các rủi ro hóc thức ăn và điều chỉnh các hành vi có thể gây hại cho bé. Muốn rèn cho bé có thói quen ăn uống lành mạnh, thì ba mẹ phải là những hình mẫu đầu tiên. Trẻ em sẽ đói vào giờ ăn nếu đồ ăn nhẹ và các loại nước ngọt bị hạn chế trong ngày.

Hãy ăn theo nhu cầu và nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm.

Thực đơn đa dạng và giàu dưỡng chất

Với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam dần được cải thiện, ngoài các chi phí sinh hoạt hàng ngày, các gia đình ngày nay có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho nhu cầu ăn uống, đặc biệt là chi cho con cái.

Điều này dĩ nhiên là mang lại nhiều yếu tố tích cực, tuy nhiên mặt trái của nó là tình trạng béo phì của trẻ diễn ra trên diện rộng. Trong phần lớn trường hợp là do thói quen ăn uống không lành mạnh và không biết cách cân bằng nhu cầu dinh dưỡng thực tế thông qua các bữa ăn.

Trẻ em từ 2-5 tuổi hầu như đều được ba mẹ gửi ở các trường mầm non, các bé sẽ ở trường từ 6:30 sáng đến 5:30 chiều vào tất cả các ngày trong tuần trừ chủ nhật. Vì vậy có thể thấy rằng lượng thực phẩm chủ yếu cung cấp cho quá trình phát triển của bé đều từ trường học mà ra. Nếu chất lượng bữa ăn ở trường mầm non không đáp ứng đủ nhu cầu của bé thì hậu quả sẽ rất tai hại và hệ luỵ của nó sẽ kéo dài trong nhiều năm tiếp theo trong đời bé.

Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của dinh dưỡng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ, nên BGH trường mầm non Nguyễn Thị Tú đã dồn tâm huyết dựng nên bộ thực đơn vô cùng phong phú cho các bé đang được chăm sóc tại trường.

Với mục tiêu cốt lõi về việc cung cấp đủ tất cả các chất cần thiết cho bé, đáp ứng được quy chuẩn chung của Bộ giáo dục về thực phẩm trẻ mầm non mà vẫn không làm các bé chán ăn. Trường thường xuyên tổ chức các bữa ăn buffet (ăn tự chọn) tại trường, nhằm đảm bảo rằng các bé không bị áp lực trong quá trình ăn uống. Qua việc tham gia ăn buffet, các bé cũng từng bước được dạy về tính trách nhiệm và hành vi ứng xử trong đám đông. Biết nhường nhịn, giúp đỡ bạn và không phung phí thức ăn.